Kinh doanh là một cách dấn thân. Lúc này, thương trường cũng là cõi Phật. Đó cũng là một cách tu, thậm chí tu như thế còn phiền nhiễu gấp mấy trong chùa, nhưng nhờ đó thành quả cũng lớn hơn. Nghe chủ đề buổi thuyết trình "Văn hóa Phật giáo trong kinh doanh", những tưởng sẽ được doanh nhân Tạ Thị Ngọc Thảo chia sẻ về cách thức áp dụng triết lý, văn hóa Phật giáo trong kinh doanh, hay chí ít là kinh nghiệm của bản thân bà - vừa là Phật tử, vừa là doanh nhân. Nhưng bất ngờ, Phật tử Tạ Thị Ngọc Thảo lại chọn một cách tiếp cận hoàn toàn khác: "Chùa làm kinh doanh trong phạm vi có thể - tại sao không?" Đối tượng cụ thể mà bà Tạ Thị Ngọc Thảo hướng đến trong Tuần văn hóa Phật giáo được tổ chức gần đây là chùa Huế, như bà tự nhận: Mong muốn được "khơi dậy tinh thần kinh doanh của một vùng đất văn hiến, đó là tỉnh Thừa Thiên - Huế". Bởi theo bà, Huế có quá nhiều lợi thế. Người Huế luôn tự hào và yêu quý nhất mực mảnh đất này, nhưng Huế còn nghèo quá, mà lý do cụ thể nhất là thu nhập bình quân đầu người thấp - 1.030 USD/ người và tỷ trọng nông nghiệp quá cao 14,5% Tuần Việt Nam đã có cuộc trao đổi với bà Tạ Thị Ngọc Thảo sau buổi thuyết trình có phần gây tranh cãi này. Phật muốn chúng sinh giàu có - Vì sao bà lại chọn nói về đề tài "Chùa làm kinh doanh trong phạm vi có thể - tại sao không?" - Nếu chỉ lo cho đời sống của chùa thì hiện nay hầu như các chùa đều có thể tự túc được, không phải trông cậy nhiều vào nguồn cúng dường. Nhưng để phụng sự xã hội, nhất là các tăng ni dấn thân phụng sự xã hội, thì phải trông vào các nguồn khác, trong đó có nguồn cúng dường, nguồn doanh nghiệp tài trợ... Một trường hợp cụ thể trong hoạt động của giới tu hành hiện nay ở Huế là Phòng khám từ thiện Tuệ Tĩnh đường - nơi khám chữa bệnh cho hơn 250 bệnh nhân nghèo mỗi ngày, thì nguồn thu để duy trì hoạt động luôn là vấn đề đau đầu. Kinh tế phát triển thì không sao, nhưng khi kinh tế suy thoái như hiện nay thì nguồn cúng dường cho chùa bị giảm. Nguồn kinh phí cho công việc phúc lợi xã hội cũng đương nhiên phải giảm. Bác sĩ giám đốc rất lo sẽ đến lúc Tuệ Tĩnh đường phải đóng cửa. Nếu tình huống đó xảy ra thì trước mắt là 250 bệnh nhân nghèo không có nơi để khám bệnh. Để những công trình phúc lợi, từ thiện của Phật giáo hoạt động được bền vững thì nhà chùa phải chủ động được nguồn tài chính, nghĩa là phải có hoạt động kinh doanh để lấy lãi nuôi những hoạt động phúc lợi này. Khi đặt ra vấn đề kinh doanh với giới tu hành thì không chỉ Phật tử, cư sĩ, mà xã hội nói chung cũng dễ phản ứng, trong khi đó kinh doanh như thương gia Lương Văn Can định nghĩa là: "Sử dụng sản phẩm hoặc dịch vụ của mình như phương tiện để giải quyết những vấn đề xã hội và làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn", thì kinh doanh có gì là sai trái mà không được làm? Trong cách nhìn của tôi, đó cũng là một cách tu. Hơn nữa, trong giới luật có cấm con của Phật tích lũy tài sản, phát sinh lợi nhuận, nhưng con Phật có hai chúng, chúng xuất gia và chúng tại gia. Đức Phật lại rất ủng hộ sự giàu có của chúng sinh. Trong kinh Phật có nói về y báo và chánh báo. Y báo là dựa vào cái mình nương tựa. Nếu bạn được nương tựa vào người chồng làm kinh doanh giàu có lương thiện, cha mẹ là người phúc đức, con của bạn là đứa trẻ thông minh đạo hạnh, thì người ngoài sẽ nhận ra ngay y báo bạn tốt. Bạn đã gieo phúc và bây giờ được nhận. Còn chánh báo thì sao? Đức Phật nói trong khi người ta còn phải ở những căn nhà lụp xụp bên cạnh đống rác hôi hám, thì bạn được ở ngôi nhà khang trang, được thưởng thức những hoa thơm, trái ngọt, ăn những bữa cơm ngon, sống trong không khí trong lành. Đó cũng là do bạn là người trước đó đã gieo phúc rất nhiều và nay được nhận. Nói như thế để thấy quan điểm của Đức Phật là ủng hộ sự giàu có. Với những người xuất gia, Đức Phật khuyên sống thanh bần, vì không muốn con Phật vướng vào những thường tình đó sẽ làm hạn chế sự phụng sự cho đạo pháp, cho chúng sinh. Nhưng những người con Phật có tóc và chúng sinh thì Phật luôn luôn ủng hộ họ giàu có.
|